GIỚI THIỆU VỀ ỦY BAN NHÂN DÂN PHƯỜNG PHÚ NHUẬN
Phường Phú Nhuận là một trong 3 phường mới được đề xuất thành lập theo đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp phường tại quận Phú Nhuận. Phường Phú Nhuận mới được sáp nhập từ phường 8, 10, 11, 13 và một phần phường 15, có diện tích khoảng 1,4km2 với dân số ước tính khoảng 68.420 người. Trong những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn tiếp theo. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ và duy trì hiệu quả, góp phần giảm thiểu văn bản giấy và nâng cao năng suất làm việc của cán bộ, công chức. Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, với tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao (trên 90%), nhận được sự đánh giá tích cực từ người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, công tác triển khai Đề án 06 được chú trọng, với việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân cài đặt, kích hoạt và sử dụng các tiện ích do ứng dụng VNeID cung cấp. Đồng thời, mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng cũng phát huy hiệu quả vai trò "cầm tay chỉ việc" theo phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà", qua đó hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ một cách thiết thực.
Nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa chuyển sang mô hình chính quyền 02 cấp, phường Phú Nhuận cần tập trung vào các phương hướng chính trong triển khai chương trình chuyển đổi số, cụ thể:
- Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, nhất là các dịch vụ công trực tuyến toàn trình; các thủ tục hành chính thiết yếu, phổ biến thường xuyên phát sinh hồ sơ tại phường, đảm bảo quy trình được đơn giản hóa tối đa, cho phép nộp hồ sơ, thanh toán và nhận kết quả hoàn toàn trực tuyến. Đồng thời, cần khai thác triệt để Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ứng dụng VNeID trong mọi quy trình giải quyết thủ tục hành chính, giảm yêu cầu giấy tờ, tự động điền thông tin và xác thực công dân nhanh chóng, chính xác. Mọi hoạt động cần đảm bảo việc kết nối thông suốt với cổng dịch vụ công quốc qua, nhằm đồng bộ hóa quy trình tiếp nhận, xử lý và theo dõi hồ sơ.
- Tập trung phát triển nền tảng và hạ tầng số đồng bộ là yếu tố then chốt. Phường cần rà soát, nâng cấp đường truyền Internet tốc độ cao, trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ để phục vụ công việc và hướng dẫn người dân. Quan trọng hơn, cần tận dụng các nền tảng dữ liệu được chia sẻ, vận dụng linh hoạt, hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc để có thể truy cập, khai thác thông tin an toàn, hiệu quả, giảm thiểu việc lưu trữ dữ liệu cục bộ và đảm bảo tính thống nhất của dữ liệu. Quan tâm, chú trọng công tác an toàn thông tin, đội ngũ cán bộ, công chức phải chấp hành nghiêm các quy định về bảo mật dữ liệu, triển khai các giải pháp phòng chống mã độc...
- Thúc đẩy phát động phong trào ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích cán bộ, công chức phường trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống chuyên ngành để phân tích xu hướng dân số, nhu cầu an sinh xã hội, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; từ đó đề xuất các ý tưởng, sáng kiến ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề thực tiễn, thử nghiệm các mô hình chuyển đổi số hiệu quả.
- Việc nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức và cộng đồng người dân, doanh nghiệp là không thể thiếu. Các khóa đào tạo chuyên sâu về kỹ năng sử dụng phần mềm, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý hồ sơ trực tuyến và đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ số cần được tổ chức thường xuyên cho cán bộ, công chức phường. Đồng thời, cần đẩy mạnh Phong trào "Bình dân học vụ số", tập trung củng cố và phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng tại mỗi khu phố, tập huấn về các tính năng mới của VNeID, cách sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các kỹ năng số cơ bản khác để "cầm tay chỉ việc" cho người dân.
Để việc triển khai chương trình chuyển đổi số tại phường Phú Nhuận trong bối cảnh vận hành mô hình chính quyền 02 cấp đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy – HĐND – UBND phường cùng với quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, công chức phường. Bên cạnh đó, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm là cần thiết để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn, từng nội dung, nhiệm vụ được triển khai.